Bệnh cầu trùng là một bệnh ký sinh trùng do một loại đơn bào nguyên sinh động vật gây ra. Bệnh có tính lây lan nhanh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài bồ câu. Bệnh cầu trùng thường gặp nhất ở bồ câu non từ 1 đến 4 tháng tuổi với các triệu chứng như tiêu chảy, phân có nhiều chất nhầy, đôi khi có màu sô cô la do bị xuất huyết.
Tác nhân gây bệnh
Ký sinh trùng đơn bào thuộc giống Eimeria là tác nhân gây ra bệnh cầu trùng. Đây là những ký sinh trùng nội bào thiết yếu có chu kỳ sống phức tạp; bao gồm cả giai đoạn hữu tính và vô tính. Ở gia cầm; Eimeria ảnh hưởng đến đường ruột; làm cho nó dễ mắc các bệnh khác (viêm ruột hoại tử) và giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ quan này.
Đặc điểm của dịch tễ
Cơ chế gây bệnh: Sau khi thức ăn và nước uống được đưa vào đường tiêu hóa của chim bồ câu, cầu trùng ở dạng cảm nhiễm sẽ phát triển và ký sinh ở niêm mạc ruột non và ruột già của chim bồ câu. Tại đây, ký sinh trùng sẽ sử dụng chất dinh dưỡng làm bồ câu gầy, yếu, giảm cân nặng; gây tổn thương niêm mạc ruột; bong tróc nhung mao ruột, gây viêm ruột do nhiễm vi khuẩn thứ phát do Escherichia coli, Salmonella spp và các vi khuẩn khác. Trong trường hợp nghiêm trọng, chim bồ câu có thể bị viêm ruột và xuất hiện hiện tượng xuất huyết.
Đối tượng nhiễm bệnh: Bệnh thường xáy ra ở bồ câu 1 – 4 tháng tuổi.
Phương thức lây bệnh
Đường lây truyền: Bệnh lây qua đường tiêu hóa. Bồ câu bị bệnh cầu trùng hoặc bồ câu khỏi bệnh nhưng còn mang trùng sẽ bài thải trứng cầu trùng theo phân ra nền chuồng; là nguồn gốc lây lan bệnh trong trại. Trứng cầu trùng trên nền chuồng sẽ nhiễm vào thức ăn, nước uống, khi bồ câu nhặt thức ăn có trứng cầu trùng, chúng sẽ đi vào ruột và gây bệnh.Mùa vụ: Bệnh thường xảy ra vào những giai đoạn thời tiết giao mùa như cuối xuân sang hè hoặc thu sang đông. Tuy nhiên, tại những cơ sở chăn nuôi ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh; bệnh có thể xảy ra quanh năm.
Triệu chứng khi mắc
Khi nhiễm bệnh; bồ câu thường phát triển chậm và gầy, yếu; xuất hiện thêm các triệu chứng như ỉa phân lỏng, có nhiều dịch nhày, đôi khi phân có máu do xuất huyết niêm mạc ruột. Bồ câu bị bệnh nặng có thể chết do ỉa chảy và kiệt sức.
Chẩn đoán
Kiểm tra phân tìm noãn nang của cầu trùng. Sau đó quan sát hình dạng của noãn nang cầu trùng; nuôi cấy noãn nang, theo dõi các giai đoạn phát triển và mổ khám bồ câu; xác định vị trí ký sinh của cầu trùng trong hệ thống tiêu hóa để định loại loài cầu trùng ký sinh.
Phương pháp điều trị bệnh
Bệnh cầu trùng có thể ghép vi khuẩn đường ruột (E.coli hoặc Salmonella…) cho nên cần điều trị cả 2 bệnh này cùng lúc. Thực hiện các biện pháp điều trị theo phác đồ sau:
Pharticoc-plus, 10 g/7 lít nước, liên tục 3 ngày, nghỉ 2 ngày rồi cho uống tiếp 2 ngày; Hoặc Pharm-cox G, 1 ml/lít nước uống, liên tục 48 giờ hoặc 3 ml/lít nước uống, 8 giờ/ngày, liên tục 2 ngày để diệt cầu trùng.
Cùng đó, cho bồ câu uống kèm một trong các loại kháng sinh sau: Oracin-pharm (1 ml/1,5 – 2 lít nước uống); Pharcolivet, Ampi-coli pharm (10 g/2,5 lít nước); Pharmequin, Pharamox G, Gatonic-plus (1 g/lít nước uống)… liên tục trong 3 – 5 ngày.
Biện pháp phòng bệnh
Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Nhập giống bồ câu từ các cơ sở giống an toàn về bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm. Người nuôi nên nuôi cách ly bổ câu mới nhập trại ít nhất trong 2 tuần đầu, nếu thấy đàn chim vẫn hoàn toàn khỏe mạnh; không có biểu hiện dịch bệnh mới nhập vào khu vực chăn nuôi.
Tiêm vaccine phòng bệnh. Vệ sinh, quét dọn hàng ngày đối với các dãy chuồng, khu vực xung quanh chuồng và các lối đi. Định kỳ phun thuốc sát trùng (Chlorine 3%, Formol 2%) 2 tuần/lần đối với toàn bộ khu trại, chuồng nuôi kể cả khu vực đệm lót.
Thức ăn đảm bảo chất lượng, nước uống sạch sẽ. Nếu đàn bồ câu có nguy cơ bị bệnh về đường tiêu hóa; người nuôi có thể dùng tỏi với liều 5 g/kg trọng lượng để phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng.
Bổ sung men tiêu hóa, vitamin, chế phẩm vi sinh vào thức ăn, nước uống cho đàn chim để tăng đề kháng.
Nguồn: tapchigiacam.vn