Bệnh đầu đen ở gà

mất:5 phút, 59 giây để đọc.

Bệnh đầu đen ở gà hay còn được gọi là bệnh viêm ruột truyền nhiễm; bệnh kén ruột do một loại nguyên sinh động vật đơn bào có tên là Histotomas Meleagridis ở gan; dạ dày và ruột thừa (manh tràng) gây ra. Bệnh có thể gây ra tỷ lệ chết cao; ảnh hưởng lớn đến năng suất và gây thiệt hại cho người chăn nuôi

Nguyên nhân mắc bệnh

Loài động vật nguyên sinh có tên khoa học là Histotomas meleagridis là tác nhân gây ra bệnh đầu đen ở gà. Do tỷ lệ gà chết cao tới 80% số gà nuôi nên dịch bệnh này đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gà thả vườn. Những biến đổi phổ biến tập trung ở gan và ruột; do đó bệnh còn được gọi là viêm ruột truyền nhiễm (Infectious Enterohepatitis).

Đặc điểm của dịch tễ

Đối tượng: Gà dưới 5 tháng tuổi rất dễ mắc bệnh; mặc dù vậy gà lớn hơn vẫn có thể mắc bệnh. Tất cả các loại gà đều có thể bị nhiễm bệnh, và gà tây là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Như đã nói ở trên; bệnh chủ yếu xảy ra ở gà nuôi thả vườn..

Thời gian phát bệnh: Bệnh thường xuất hiện vào các tháng nóng ẩm cuối xuân; hạ và đầu mùa thu.

Phương thức lây truyền

Con đường lây truyền: Bệnh lây lan qua môi trường chăn thả có chứa mô bệnh Histomonas Meleagirdis;  lây qua đường ăn uống, qua máng uống chung, qua các chất độn.

Ngoài ra; loài giun kim Heterakis galline được cho là trung gian truyền bệnh. Vì nếu gà ăn phải trứng giun kim có chứa mầm bệnh, khi vào cơ thể gà thì giun kim sẽ ký sinh ở gan; manh tràng và gây bệnh. Mầm bệnh tiếp tục được đào thải ra ngoài qua trứng giun kim và đào thải trực tiếp qua phân, tạo thành vòng lây nhiễm và gây bệnh cho gà.

Triệu chứng

Bệnh đầu đen xuất hiện và mức độ tùy thuộc vào tuổi gà, điều kiện vệ sinh môi trường. Thời kỳ ủ bệnh khoảng 7 – 28 ngày. Các triệu chứng không điển hình như: gà ủ rũ, sốt, rúc đầu vào cánh, tìm chỗ có nắng, ấm áp để nằm, phân sáp vàng, sáp đen, phân dạng giống gạch cua, phân nước có thỏi phân sống ở giữa… Bệnh có 2 thể biểu hiện: cấp tính và mãn tính.

Thể quá cấp và cấp tính: Bệnh xảy ra đột ngột, gà bỏ ăn, ủ rũ, xù lông, sốt rất cao trên 440C và chết nhanh trong vòng 1 – 2 ngày kể từ khi phát hiện những triệu chứng không điển hình, trước khi chết thân nhiệt gà giảm xuống tới 38 – 390C. Gà đi phân sáp, sáp vàng, sáp đen, phân lẫn máu rất giống với bệnh cầu trùng. Lúc đầu chúng chết rải rác vào đêm, sau tăng dần số chết và chết cả ban ngày. Nếu không điều trị gà sẽ chết lên tới 85 – 90% tổng số đàn.

Thể mãn tính: Ở thể này, bệnh thường xảy ra ở gà lớn tuổi (trên 5 tháng tuổi) với những biểu hiện bệnh như trên, nhưng ở cường độ nhẹ hơn. Bệnh kéo dài vài tháng, gà gầy và giảm mạnh năng suất chăn nuôi, tuy nhiên tỷ lệ chết không cao, dao động 10 – 20%.

Bệnh đầu đen ở gà

Bệnh tích

Gan: Gan sưng to hơn bình thường; gấp 2 – 3 lần, mềm nhũn và nhìn thấy 2 quá trình biến đổi: lúc đầu gan bị viêm xuất huyết làm cho bề mặt gan có lỗ như hình hoa cúc, sau đó các điểm xuất huyết này tạo ra các ổ viêm loét hoại tử thành các ổ bã đậu màu trắng to từ hạt kê đến hạt ngô to, thậm chí đường kính to 1 – 2 cm, giống ổ lao hoặc khối u của bệnh Marek.

Manh tràng: Một trong hai ruột thừa hoặc cả 2 đều phình rất to; dài hơn bình thường, màu sắc và độ đàn hồi thay đổi. Bề mặt bên trong lòng ruột sần sùi chứa chất lẫn nhiều máu loãng, nhớt như máu cá, sau đó chuyển sang vàng xám. Thành ruột thừa bị viêm hoại tử; xuất huyết và tăng sinh nên rất dày làm cho ruột thừa ngày càng rắn chắc, các chất bị canxi hóa đóng quánh có màu trắng tạo thành 1 lõi với các nếp gấp ngang rất giống kén tằm.

Chẩn đoán

Dựa vào các triệu chứng điển hình, bệnh tích, cùng đó kết hợp dịch tễ chuồng trại, thời điểm.

Khi chẩn đoán dựa vào bệnh tích trên gan, cần phân biệt với các trường hợp gà bị bệnh có thể để lại bệnh tích hoại tử trên gan tương tự, như: Marek, tụ huyết trùng, lao ở gà. Hay một số trường hợp bệnh ghép với các bệnh khác như: Bệnh hen ghép đầu đen; bệnh đầu đen kế phát trong trường hợp đàn gà mắc cầu trùng ghép E.coli bại huyết; đầu đen ghép bệnh đậu gà (gặp ở những đàn chưa được chủng đậu).

Điều trị

Hiện, trên thị trường, có nhiều sản phẩm trị bệnh. Người nuôi có thể tiêm cho gà với thuốc chứa Doxycyclin; hoặc trộn vào thức ăn, nước uống cho gà bằng các thuốc có thành phần là Sulfamonomethoxine hoặc Doxycyclin (liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất). Kết hợp bổ sung thuốc bổ gan, vitamin, men tiêu hóa, thuốc trợ sức, trợ lực cho gà.

Bên cạnh đó, cần tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cải thiện môi trường chăn nuôi, vệ sinh, phun khử trùng chuồng nuôi và môi trường xung quanh.

Phòng bệnh

Định kỳ tẩy giun, sán. Bắt đầu từ 20 ngày tuổi trở đi, cứ 20 ngày 1 lần nên pha thuốc tím (KMnO4) hoặc sunphat đồng (CuSO4) cho gà uống. Cách làm như sau: Mỗi lần dùng 1 g KMnO4 hoặc 2 g CuSO4 pha với 10 lít nước trong 1 – 2 giờ, nếu thừa thì đổ đi, không dùng lại cho lần sau. Cứ 7 – 10 ngày thì cho uống 1 lần như trên.

Thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng bệnh: Không nên nuôi chung gà với gà tây, không nuôi gà nhiều lứa tuổi trong cùng một khu vực. Đảm bảo thời gian trống chuồng sau mỗi lứa gà. Định kỳ vệ sinh, phun khử trùng chuồng nuôi, sân chơi, vườn thả gà, rắc vôi bột ở khu vực nuôi để diệt mầm bệnh. Hạn chế thả gà ra vườn khi trời mới mưa.

Đối với những chuồng nuôi, bãi chăn thả gà mắc bệnh đầu đen, cần để trống chuồng ít nhất 30 ngày, trước khi trống chuồng, cần vệ sinh chuồng nuôi và bãi chăn thả sạch sẽ, thu gom chất thải ủ sinh học hoặc đốt. Trong thời gian trống chuồng, định kỳ 1 lần/tuần phun khử trùng chuồng nuôi, bãi chăn thả và môi trường xung quanh; cuốc đất rắc vôi, diệt giun đất.

Nguồn: tapchigiacam.vn

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.