Đều nuôi gà, tại sao miền Nam lỗ, miền Bắc lại lãi?

mất:3 phút, 50 giây để đọc.

Cùng một thời điểm nhưng giá gà công nghiệp (gà lông) tại miền Bắc là 24.000 đồng/kg, trong khi đó giá gà ở miền Nam chỉ 15.000 đồng/kg. Nguyên nhân tại sao lại xảy ra vấn đề này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết hôm nay.

Tình trạng chênh lệch giá gà ở 2 miền

Theo cập nhật của Văn phòng đại diện Cục Chăn nuôi tại TP HCM (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Vào ngày 15/9, giá gà công nghiệp (gà lông) tại trại ở các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ chỉ 15.000 đồng/kg; trong khi ghi nhận tại miền Bắc tới 24.000 đồng/kg.

Như vậy, giá gà công nghiệp tại miền Bắc cao hơn khu vực miền Nam đến 9.000 đồng/kg, tương đương lệch 60%.

Đến ngày 29/9 tức là chưa tới 15 ngày; cũng theo cập nhật giá của cơ quan này; giá gà 2 miền đều tăng nhưng mức chênh lệch vẫn còn lớn. Cụ thể, giá gà công nghiệp phía Nam là 19.000 đồng/kg; trong khi tại miền Bắc đã tăng lên 27.000 đồng/kg; chênh lệch hơn 8.000 đồng/kg, tương đương mức 42%.

Nguyên nhân nào khiến giá gà miền Bắc và Nam lại chênh lệch nhiều như thế?

Câu hỏi đặt ra, vì sao lại có sự chênh lệch quá lớn về giá gà công nghiệp giữa 2 miền? tại sao gà công nghiệp từ miền Nam không được chuyển ra miền Bắc để bán nhằm cân bằng thị trường?

Về nghịch lý này khi trao đổi với Báo Người Lao Động; ông Lê Văn Quyết; Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ; lý giải ở miền Bắc nuôi gà khó hơn miền Nam do yếu tố thời tiết.

Miền Bắc mùa đông rất lạnh, mùa hè rất nóng nên gà nuôi bị hao hụt nhiều; năng suất thấp khiến giá thành cao và nguồn cung ít nên giá bán cao là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, gà sống từ miền Nam cũng khó chuyển ra Bắc bán để tiêu thụ vì chi phí vận chuyển cao; hao hụt dọc đường lớn nên giá thành khi đến nơi kém cạnh tranh.

Còn nếu cấp đông thịt gà rồi chuyển ra Bắc lại “đụng” gà đông lạnh nhập khẩu giá rẻ.

Bất hợp lý: Giá gà công nghiệp ở miền Bắc cao hơn miền Nam đến 60%

Đại diện một doanh nghiệp gia cầm tại TP HCM cho biết đã từng đưa gà lông từ miền Nam ra Bắc nhưng không có hiệu quả vì đường xa, gà chết nhiều.

“Thị trường Hà Nội và lân cận người tiêu dùng chuộng thịt “nóng” mới giết mổ còn “nặng” hơn miền Nam; nên doanh nghiệp chưa thể đưa thịt gà làm sẵn ra Bắc bán dù giá thành thấp. Vấn đề trên cần có thời gian để người tiêu dùng thay đổi thói quen; chấp nhận thịt mát, thịt đông lạnh thì giá cả 2 miền sẽ bớt chênh lệch”; doanh nhân này phân tích.

Thách thức là cơ hội

Dù vậy, theo ông Lê Văn Quyết; sự chênh lệch về giá này giữa 2 miền vẫn là cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành nên họ đang tìm cách giải quyết bài toán khó. Hiện tại có một số doanh nghiệp đang tính chuyện đầu tư nuôi gà tại miền Bắc để hưởng giá cao; hoặc tính đường vận chuyển gà từ miền Nam ra Bắc với chi phí thấp hơn.

Nói thêm về việc giá gà công nghiệp ở miền Nam dù đang tăng nhưng vẫn còn rất thấp so với trước; ông Lê Văn Quyết nhận xét chưa bao giờ giá gà công nghiệp lại giảm sâu; và kéo dài như năm nay khiến người chăn nuôi tại miền Nam thua lỗ nặng; có thời điểm xuống chỉ còn 10.000 đồng/kg.

“Giá thành nuôi gà công nghiệp tại miền Nam đang ở mức từ 22.000 – 26.000 đồng/kg; nhưng thị trường chỉ tạm chấp nhận ở mức trung bình khoảng 25.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ những trại chăn nuôi có giá thành thấp sẽ trụ lại, còn lại phải bỏ nghề.

Theo tôi, nhà nước cần điều tiết lượng gà nhập khẩu; tránh dồn ứ khiến các đầu mối đua nhau xả hàng, giảm giá. Đặc biệt, cần kiểm soát chất lượng thịt gà nhập khẩu để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng cũng như tạo môi trường cạnh tranh công bằng” – ông Quyết đề xuất.

Nguồn: cungcau.vn

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.