Ngỗng Reinland hướng dẫn chăm sóc ngỗng thịt

mất:5 phút, 28 giây để đọc.

Ngỗng Reinland (phát âm như là ngỗng Rên-lan)  là giống ngỗng thịt có nguồn gốc từ vùng Reinland của nước Đức.

Ngỗng là một trong những loài gia cầm được con người nuôi từ xa xưa. Những năm 70 của thế kỷ trước Việt Nam đã nhập ngỗng Rheinland về nuôi tại Viện Chăn nuôi quốc gia. Giống ngỗng này dễ nuôi, chúng thích nghi nhanh với phương thức nuôi chăn thả ở nhiều địa phương ở miền Bắc và miền Trung. Năng suất cũng khá cao, trọng lượng lúc 60 ngày tuổi ngỗng đực nặng hơn 4kg, ngỗng cái nặng gần 4kg. Năng suất trứng đạt khoảng 60 quả/vụ.

Ngỗng Reinland

Năm 2000 khảo sát năng suất của đàn ngỗng Rheinland nuôi chăn thả trên nhiều địa phương Bắc bộ cho thấy kết quả rất khả quan, tỷ lệ nuôi sống ngỗng con từ 0 – 77 ngày tuổi là khá cao gần 95% trọng lượng lúc 77 ngày tuổi đạt 4,0 kg (đực) và 3,6 kg (cái). Người ta đã cho lai giữa ngỗng đực xám địa phương với ngỗng Rheinland cái, giống F2 cho tỷ lệ nuôi sống rất cao, đạt 98,4% trong giai đoạn 0 -77 ngày tuổi. Lúc 77 ngày tuổi trọng bình quân 1 con ngỗng đạt 4,4 kg. Với phương thức nuôi chăn thả mức tiêu tốn thức ăn cho 1 kg trọng lượng sống rất thấp khoảng 2 kg thóc và bắp.

Đặc điểm

Ngỗng Reinland có đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống chuyên thịt. Thân nở, đầu to, mỏ ngắn và khoẻ, có màu vàng da cam. Mắt có màu xanh, mí mắt viền vàng sẫm, đầu không có mào như một số khác. Cổ to hơn hơi ngắn. Thân có kích thước trung bình. Ngực rộng và sâu. Cánh to và khoẻ, nhờ đó ngỗng có thể xoè cánh bay là là trên mặt đất hay mặt nước ao hồ. Chân khoẻ, màu vàng da cam.

Ngỗng có lông màu trắng tuyền. Ngỗng Reinland khi trưởng thành ngỗng đực nặng 4.5- 5.0 kg/con, ngỗng cái nặng 3.8-4.3 kg/con. Thành thục lúc 7,5 tháng tuổi. Năng suất trứng 57 quả /mái/năm. Tỷ lệ phôi 88-92%, tỷ lệ nở/phôi 75,4%. Ngỗng Reinland được nuôi để lấy thịt; vỗ béo lấy gan và lấy lông.

Chăm sóc ngỗng thịt

Ngỗng mới nở chọn con có bộ lông mịn, sáng, lỗ hậu môn gọn, khô, mắt sáng, nhanh nhẹn, ăn uống bình thường.

Nếu nuôi ngỗng cái đẻ, nên chọn con có mắt đen, to, sáng, cổ nhỏ dài, ngực gọn mình dài, bụng dưới nở nang, phao câu to, những con này mắn đẻ, ấp khéo. Đối với ngỗng đực nuôi làm giống thì chọn những con có cổ ngẩng cao, ngực nở, hai chân cao, thân mình dài cá trắm, lỗ hậu môn màu hồng.

Thời kỳ ngỗng con

Là thời gian từ khi nở đến 30 ngày tuổi. Đây là thời gian đòi hỏi phải chăm sóc cẩn thận vì ngỗng mới nở còn yếu, ăn uống chưa quen, khả năng thích ứng kém.

Lúc mới nở, lông ngỗng còn ướt, giữ ngỗng trong thúng hay cót quây cao 0,8-1m, dưới lót rơm mềm, trên đậy lớp vải thưa, đến khi khô lông bắt ra ràng, bắt đầu tập cho ăn uống. Thời gian ủ lông khô kéo dài khoảng 10-12 giờ. Chú ý nếu thời tiết lạnh rét; cần thắp bóng điện để giữ ấm nhiệt độ chuồng nuôi 28-30 độ C.

Trong tuần lễ đầu, ngỗng còn yếu, chưa cho ngỗng ra ngoài, cho ăn bột ngô, gạo, mỳ… trộn với rau tươi rửa sạch thái nhỏ (ngỗng thích ăn rau diếp, xà lách). Cho ăn mỗi con 50g thức ăn tinh, 100g rau xanh mỗi ngày chia làm 4 bữa: sáng; trưa; chiều; tối (9 giờ tối), cho ăn dần từng ít một, ăn xong cho uống nước sạch ngay.

Từ ngày thứ 8 trở đi có thể thả ra bãi cỏ để ngỗng vặt cỏ ăn. Từ thời kỳ này, lượng thức ăn cho ngỗng tăng dần: mỗi con cho ăn 70g thức ăn tinh và 120g rau cỏ xanh mỗi ngày.

Từ sau 2 tuần tuổi, giảm bớt tỷ lệ thức ăn tinh và tăng rau cỏ xanh cho ngỗng. Thời kỳ này tập cho ngỗng ăn thêm thóc; khoai băm nhỏ; đưa ngỗng chăn thả ở những bãi xa. Giai đoạn ngỗng con kết thúc khi ngỗng được 30 ngày tuổi.

Thời kỳ ngỗng choai

Sau 1 tháng tuổi là thời kỳ ngỗng choai. Ngỗng choai dễ nuôi, mau lớn, phàm ăn và ít bệnh tật. Ngỗng nuôi thịt có thể nuôi chăn thả từ vài chục con đến hàng trăm con. Đàn ngỗng nuôi phải cùng lứa tuổi nhau để chúng có độ đồng đều và dễ chăm sóc. Sau mỗi buổi chăn thả về; nếu vào vụ thu hoạch lúa thì không cần phải cho ngỗng ăn thêm. Sau khi ăn no; ngỗng thích uống nước và bơi lội. Ngỗng choai được tắm và bơi lội đầy đủ sẽ có bộ lông mượt và béo tốt hơn những con ngỗng nuôi không được bơi tắm.

Nếu thời kỳ ngỗng lớn không trùng vào vụ gặt lúa; cuối ngày chăn thả về cần cho ăn thêm thóc; cám; ngô; khoai hay sắn băm nhỏ. Nếu có điều kiện thì cho ngỗng ăn thêm bã đậu; bỗng rượu hay cám công nghiệp chúng càng mau lớn.

Vỗ béo ngỗng

Tuỳ điều kiện từng gia đình nuôi mà có thể xuất chuồng sau 90 ngày, 120 hay 150 ngày tuổi. Để tăng nhanh trọng lượng ngỗng đồng thời làm tăng chất lượng thịt; nên tiến hành vỗ béo ngỗng trước khi bán. Nhốt ngỗng vào những ngăn chuồng nhỏ (mỗi ngăn một con) kín gió song thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào chuồng; giữ yên tĩnh cho chuồng nuôi. Cho ngỗng ăn tăng thức ăn tinh; giảm vận động. Thời gian vỗ béo 12-15 ngày trước khi bán, không kéo dài hơn tốn thức ăn mà ít hiệu quả.

Nhìn chung sau khi nuôi 3-4 tháng; ngỗng thường đạt trọng lượng 4- 4,5kg, những giống ngỗng ngoại nhập có thể cao hơn; đạt 4,5- 5kg. Nếu ngỗng được nuôi dưỡng chăm sóc tốt ngay từ đầu thì thời gian có thể rút ngắn không tới 3-4 tháng nuôi.

Nguồn: traigiongthuha.com

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.