Quảng Trị cố gắng đưa thương hiệu “gà leo cây” – gà cùa vươn xa

mất:5 phút, 41 giây để đọc.

Vùng Cùa thuộc địa giới hành chính giữa hai xã Cam Chính, Cam Nghĩa và một phần nhỏ xã Cam Thành; vùng này có tổng diện tích khoảng hơn 13.000 ha; chiếm khoảng 40% diện tích toàn huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị). Nơi đây được mệnh danh với nhiều đặc sản thơm ngon trứ danh; nhưng phải đặc biệt nói đến là “gà leo cây” xứ Cùa.

Được gọi là “gà leo cây” vì giống gà Cùa từ xưa đến giờ được người dân nuôi bằng cách thả rong. Ban ngày gà sẽ tự đi khắp các vườn dọc triền đồi đất đỏ ba dan để đào tìm kiếm nguồn thức ăn. Đến chiều tối, chúng tự tìm về bay lên và đậu vào các cành cây trong vườn nhà để ngủ. Loại gà này không thích ngủ trong chuồng trại; mà lại có sở thích tìm kiếm các cành cây hoặc tán lá để đậu vào ngủ.

Do đó nhiều người thường liên tưởng về tổ tiên của giống gà Cùa này có xuất phát từ gà rừng; và được người dân thuần hóa và đưa về nuôi trong nhà. Khi muốn có thịt gà ăn thì phải leo lên cây để bắt. Giống gà này không có kích thước lớn, mỗi con nuôi khoảng 5- 6 tháng; làm thịt xong thì cân nặng còn từ 1- 1,2 kg.

Các nghiên cứu về gà Cùa

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, với đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng vùng gò đồi đất đỏ ở Cùa; có nhiều loại khoáng chất và thực phẩm thiên nhiên độc đáo như các loại côn trùng, kiến, mối, dế… để đàn gà di chuyển tìm kiếm thức ăn; nên thịt chúng có vị ngọt thơm rất đặc trưng; thớ thịt săn chắc mà không dai, béo mà không ngậy.

Thịt gà Cùa chế biến được rất nhiều món ăn ngon; như nấu cháo gà, lẫu gà, gà kho, gà nướng, gà luộc…., vẫn không lẫn được vị thơm ngọt và giòn của gà Cùa so với các giống gà nơi khác. Đặc biệt, theo khẩu vị của người dân vùng Cùa; thì món gà luộc ăn kèm với các loại lá hái trên rừng; chấm muối và hạt tiêu cay nồng nổi tiếng của vùng Cùa là ngon nhất; vì sẽ cảm nhận rất rõ vị ngọt thơm xuất phát từ chính đặc điểm “ngày ăn mối; tối ngủ cây” của gà Cùa.

Chia sẻ của ông Phạm Viết Thanh

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh; cho biết: “Hiện vùng Cùa có tổng đàn gà khoảng 90 ngàn con, sản lượng ước đạt gần 100 tấn; thu nhập gần 5 tỉ đồng. Thời gian qua, chất lượng thịt gà đã khẳng định được uy tín trên thị trường; được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên, sản phẩm gà Cùa vẫn chưa tạo tính khác biệt một cách rõ nét; để hình thành thương hiệu của vùng miền đủ mạnh cạnh tranh trên thị trường; do nguồn cung cấp con giống chưa đáp ứng được nhu cầu của người chăn nuôi; chất lượng không đồng đều và chủng loại không đồng nhất; sản xuất manh mún và chưa có quy trình sản xuất an toàn dẫn đến nguy cơ dịch bệnh…

Để xây dựng thương hiệu gà Cùa có tính khác biệt mang đặc trưng vùng miền; góp phần nâng cao thu nhập; cải thiện đời sống gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của nhân dân vùng Cùa; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng đề án thí điểm chăn nuôi gà Cùa; an toàn sinh học theo chuỗi giá trị sản phẩm. Mục tiêu của đề án ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kĩ thuật để tạo ra sản phẩm khác biệt; sản xuất theo quy trình an toàn sinh học; phấn đấu đến năm 2020 hình thành được chuỗi giá trị sản xuất; quản lí và vận hành sản phẩm gà Cùa với sản lượng khoảng 40- 50 tấn gà thịt/năm; giá trị gia tăng gấp 1,2 lần so với các nông hộ không tham gia chuỗi”.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm

Gà Cùa thích ngủ trên cây

Để xây dựng thương hiệu sản phẩm gà Cùa; huyện Cam Lộ hỗ trợ tập huấn, chuyển giao quy trình kĩ thuật; cử cán bộ kĩ thuật chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi; giám sát đánh giá mô hình; quảng bá xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ 50% vắc xin và 50% giá thành con giống cho 16 hộ tham gia nuôi gà thịt của hai tổ hợp tác chăn nuôi gà Cùa xã Cam Chính và xã Cam Nghĩa với quy mô 500 con gà thịt/hộ; hỗ trợ cho 2 tổ hợp tác mỗi tổ 50% chi phí vắc xin; mua máy nghiền và máy phối trộn thức ăn chăn nuôi; máy ấp trứng, chi phí mua gà giống sinh sản với quy mô 2.000 con gà giống.

Sản phẩm gà Cùa an toàn sinh học theo chuỗi giá trị của các tổ hợp tác khi xuất bán đều được gắn thẻ chì truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lí, tạo sản phẩm đặc trưng khác biệt để hình thành thương hiệu cạnh tranh trên thị trường.

Tương lai của gà cùa

Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi gà Cùa xã Cam Chính Vũ Văn Bắc cho biết: “Trước đây nhiều hộ dân ở vùng Cùa đã chăn nuôi giống gà 3/4 Ri quy mô trang trại vừa và nhỏ, do có đặc điểm tương đồng với giống gà Cùa truyền thống, tuy nhiên mỗi hộ nuôi mỗi cách khác nhau. Khi tham gia tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, chúng tôi phải áp dụng quy trình sản xuất gà 3/4 Ri thả vườn an toàn sinh học thống nhất từ con giống, vắc xin, thức ăn và phòng dịch, đảm bảo gà “sạch” hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thuốc kháng sinh và thức ăn công nghiệp.

Đến cuối năm 2019 này sẽ tiến hành tổ chức hội thảo đánh giá mô hình chăn nuôi gà của tổ hợp tác và nhân rộng, xuất bán sản phẩm gà Cùa an toàn sinh học ra thị trường. Dự kiến năm 2021 chúng tôi sẽ tự sản xuất con giống gà 3/4 Ri ngay tại chỗ cung cấp cho các thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi gà Cùa, xây dựng quy trình nghiêm ngặt hướng tới sản xuất gà Cùa theo hướng hữu cơ, góp phần đưa thương hiệu gà Cùa vươn xa”.

Nguồn: tapchigiacam.vn

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.