Tìm hiểu bệnh nấm đường tiêu hóa ở gà

mất:4 phút, 34 giây để đọc.

Nấm đường tiêu hóa ở gà là một loại bệnh do nấm Monilia albicans gây ra. Bệnh gây ra viêm loét phần trên đường tiêu hóa ở gà, với những triệu chứng đặc trưng là nôn ộc ra thức ăn có chất nhầy hôi thối, kèm theo tiêu chảy. Dù có tỷ lệ chết thấp, gà mắc bệnh sẽ chậm lớn và ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin cơ bản cùng kỹ thuật chăn nuôi cần thiết để bảo vệ vật nuôi khỏi căn bệnh này.

Nguyên nhân

Monilia albicans, có tên khoa học khác là Candida albicans; là loại nấm men đơn bào sinh sản thành chuỗi và sinh nội độc tố; đường kính dao động trong khoảng 2 – 4 µm. Chúng sinh sôi nảy nở trong nhiệt độ khoảng 20 – 370C.

Nhìn chung, lọai nấm này có sức đề kháng yếu. Chúng có thể tồn tại trong vòng 1 tháng trong mủ, nước tiểu; 10 – 15 phút ở nhiệt độ 700C; mất hoạt lực ngay lập tức trong điều kiện ánh nắng chiếu trực tiếp hoặc nước sôi. Tuy nhiên, sức đề kháng ở nấm sẽ tăng lên trong điều kiện khô và lạnh. Các chất hóa học thường được sử dụng để diệt nấm là iốt, formol 2% và chloramine.

Ðộng vật cảm thụ

Gà, bồ câu và gà lôi đều mẫn cảm với bệnh. Trong đó, gà non dễ nhiễm bệnh hơn gà trưởng thành.

Ðường truyền lây

Do hệ thống dụng cụ đựng nước uống và nước uống không được vệ sinh bị nhiễm nấm; Do dùng kháng sinh trộn thức ăn hay nước uống kéo dài làm cho nấm phát triển ngay trong đường tiêu hóa; Do kế phát một số bệnh đường tiêu hóa; Thức ăn bị nhiễm nấm.

Triệu chứng

Thể cấp tính: Thời gian nung bệnh trong vòng 3 ngày, chỉ xuất hiện ở loại gia cầm non trong giai đoạn 5 – 10 ngày tuổi. Ðầu tiên chỉ vài con sau lan ra cả đàn. Gà có biểu hiện ủ rũ, biếng ăn, tiêu chảy. Giai đoạn cuối con bệnh có thể bị liệt chân, sau đó chết.

Thể á cấp tính: Ở thể này, thời gian kéo dài trong vòng 3 – 15 ngày, chủ yếu ở loại gà 10 – 45 ngày tuổi. Dấu hiệu đầu tiên là xuất hiện những đốm trắng trên niêm mạc miệng, hầu, họng, sau đó dần phát triển thành màng giả lan khắp niêm mạc. Niêm mạc bong ra để lộ những vết loét màu đỏ, sau chuyển sang màu vàng. Giai đoạn này con vật ủ rũ, kém ăn, sau vài ngày tiêu chảy, liệt cánh, mồm há, dần dần con vật kiệt sức chết. Bệnh xảy ra ở gà 1 – 3 tháng tuổi ít chết và thường chuyển sang thể mãn tính. Thông thường chỉ thấy con vật chậm lớn, nhẹ cân.

Bệnh tích

Bệnh tích điển hình tập trung ở niêm mạc đường tiêu hóa. Xoang miệng chứa nhiều niêm dịch màu trắng đục. Lưỡi, hầu lốm đốm những chấm trắng xen lẫn với dịch nhầy màu trắng sữa hay trắng xám. Trường hợp bệnh nặng, khuẩn lạc phát triển thành màng giả màu trắng đục che phủ niêm mạc phần đường tiêu hóa, nếu bong đi để lộ vết loét khá sâu.

Niêm mạc diều phủ nhiều niêm dịch màu trắng sữa, dưới lớp dịch nhờn là những điểm trắng rải rác khắp xen kẽ với những điểm xuất huyết. Bệnh có thể lan đến túi hơi làm vỡ túi hơi. Dạ dày và ruột làm cho dạ dày, ruột chứa nhiều dịch nhờn màu trắng, đôi chỗ có tụ máu xuất huyết. Trên gan, thận, tim, màng não, thấy những chấm trắng có đường kính khoảng 1 – 2 mm, đôi chỗ xuất huyết.

nấm đường tiêu hóa

Phòng bệnh

Thực hiện vệ sinh chuồng trại tốt. Ở những nơi thường xuyên có bệnh, phải chủ động phòng bệnh bằng thuốc. Gia cầm từ 5 ngày tuổi có thể trộn Nystatin vào thức ăn với liều 50 – 100.000 đơn vị cho 1 kg trọng lượng.

Tăng cường sức đề kháng cho gà bằng cách đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng tốt, khẩu phần thức ăn đáp ứng đầy đủ. Thành phần thức ăn đặc biệt là đạm, vitamin và nguyên tố vi lượng có vai trò nâng cao khả năng chống bệnh của niêm mạc.

Khi bệnh xảy ra phải cách ly tiêu độc; sát trùng bằng dung dịch formol 2% hoặc NaOH 1%. Có thể dội rửa máng ăn bằng NaOH 2%. Sau 30 phút rửa lại bằng nước sạch rồi đem phơi nắng.

Ðiều trị

Những con bị nặng thì phải loại thải. Phân đàn, cách ly những con bị nhẹ, điều trị bằng các loại thuốc sau: Fungicidin, Nystatin, Candicidin… Trong đó, có thể điều trị bằng Nystatin với liều 300 – 600.000 đơn vị cho 1 kg trọng lượng. Thuốc hòa vào sữa chua cho ăn ngày 2 lần, ăn trong 10 ngày. Sữa chua có tác dụng hồi phục sự hoạt động của các vi khuẩn có ích trong đường tiêu hóa. Trường hợp bệnh có nguy cơ kế phát các bệnh khác thì dùng thêm các loại kháng sinh mạnh. Cùng với đó, cần bổ sung các loại vitamin vào thức ăn; để tăng sức đề kháng của niêm mạc. Ðồng thời dùng dung dịch thuốc tím 1% để bôi.

 

Nguồn: tapchigiacam.vn

, , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.