Bệnh nấm diều ở chim bồ câu

mất:4 phút, 42 giây để đọc.

Một trong những bệnh dễ gặp ở chim bồ câu là bệnh nấm diều. Tuy không gây tỷ lệ chết cao nhưng ngay cả khi vật nuôi khỏi bệnh cũng để lại những hậu quả như kém hấp thu, giảm tốc độ tăng trưởng, giảm năng suất vật nuôi; đường tiêu hóa bị tổn thương, tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh khác xâm nhập vào …

Nguyên nhân mắc bệnh nấm diều ở chim bồ câu

Nấm Candida albicans là nguyên nhân gây ra bệnh. Đây là một loại nấm men sống theo phương thức hoại sinh, tồn tại thường xuyên trên niêm mạc đường tiêu hóa và có thể gây ra các bệnh mang tính cơ hội khi cơ thể bị suy giảm hệ thống miễn dịch.

Bệnh này thường xảy ra ở chim bồ câu 1-2 tháng tuổi. Nguyên nhân gây bệnh có thể do thức ăn, nước uống, dụng cụ đựng nước uống không đảm bảo vệ sinh, nhiễm nấm hoặc do dùng kháng sinh (loại phổ rộng như cyclines, phenicol, penicilline bán tổng hợp A) việc trộn thức ăn hoặc nước uống trong thời gian dài có thể khiến nấm phát triển trong đường tiêu hóa. Sử dụng steroid trong thời gian dài cũng là cơ hội cho nấm phát triển. Xuất phát một số bệnh đường tiêu hóa; do thức ăn bị nhiễm nấm, thiếu vitamin A; suy dinh dưỡng; áp lực trong quá trình vận chuyển hoặc áp lực môi trường.

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Chim bồ câu càng nhỏ (0-4 tuần) tỷ lệ mắc bệnh càng cao và càng dễ nhận thấy các dấu hiệu bệnh lý. Nó có các triệu chứng đặc trưng: Đầu tiên, mỏ có vảy màu vàng nhạt, có thể dễ dàng cạo ra mà không chảy máu, diều cứng, khó tiêu hóa và có các triệu chứng hen khẹc. Tiếp theo, ở chỗ giao nhau giữa hầu họng và diều chim, các cục mụn loẹt càng ngày càng sâu. Chim biếng ăn, gầy sút, tiêu chảy, thỉnh thoảng nôn ra thức ăn có lẫn chất nhầy hôi. Đi kèm với phân sống và tiêu chảy, chim non sẽ có các triệu chứng nghiêm trọng hơn chim trưởng thành và mọc lông chậm hơn. Chậm phát triển và tỷ lệ chết cao.

Bệnh tích

Mổ khám thấy có các bệnh tích ở vật bệnh gồm:

• Niêm mạc miệng và thực quản đôi khi cũng loét.

• Niêm mạc ở diều dày lên với những mụn hơi trắng. Đôi khi có màng giả ở diều. Trong diều chứa nhiều nước nhầy hôi chua.

• Dạ dày tuyến sưng hoặc xuất huyết niêm mạc. Trên niêm mạc có dịch viêm nhầy và các khối mụn trắng.

• Niêm mạc ruột non cũng bị viêm cata với nhiều dịch nhầy.

Chẩn đoán bệnh

Chẩn đoán dựa trên bệnh tích khi mổ khám. Tuy nhiên khi chưa đủ điều kiện kết luận bệnh thì nên phân lập và giám định đặc tính của nấm bệnh.

Cần phân biệt với bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB): Chim bồ câu cũng nôn nước ra liên tục nhưng không có mùi hôi thối; ngoài nôn nước ra chim bồ câu còn khó thở khò khè. Còn bệnh do nấm Candida thì không thở khó.

Phòng ngừa bệnh

Bệnh nấm diều ở bồ câu

Thực hiện phòng bệnh theo nguyên tắc đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi. Nên thực hiện kiên trì và toàn diện, đặc biệt cần đảm bảo cách ly giữa các đàn nuôi (giữa các đàn, các giống, các lứa tuổi) và với môi trường bên ngoài; vệ sinh môi trường chăn nuôi sạch sẽ, khử trùng định kỳ chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Dọn dẹp chuồng trại, tiêu hủy chất độn chuồng, sát trùng chuồng trại ít nhất 2 lần (với lần 1 dùng CuSO4 nồng độ 0,5% phun toàn bộ chuồng trại; lần 2 dùng Iodine 20 ml/lít nước phun toàn bộ chuồng trại).

Sau khi phát hiện tình trạng bệnh, cần nhanh chóng vệ sinh thật sạch chuồng trại, khay ăn, uống của chim. Tiêu hủy hết các vật mau hỏng, ẩm, mốc trong chuồng. Cần phun sát trùng chuồng nuôi và cả khu vực chăn nuôi bằng dung dịch chứa Iodine, CuSO4 1% hoặc formol 2,5%. Loại bỏ tất cả những thức ăn bị nghi ngờ nhiễm nấm như ngô, khô dầu, đỗ tương. Cho bồ câu ăn cám gà đẻ (cho bồ câu ăn với lượng thức ăn bằng 1/10 trọng lượng của chúng).

Nâng cao sức đề kháng cơ thể vật nuôi bằng cách bổ sung men tiêu hóa, vitamin, khoáng chất.

Điều trị bệnh

Dùng thuốc kháng nấm (chọn dùng một trong các hoạt chất sau):

Nystatin: Dùng dung dịch hay huyễn dịch 100.000 IU/ml; pha vào nước uống hay trộn vào thức ăn theo liều 1,5 ml/kg trọng lượng; dùng liên tục 7 ngày

Ketoconazole: Dùng theo liều 10 – 20 mg/kg trọng lượng pha vào nước uống hay trộn vào thức ăn, dùng liên tục 10 – 15 ngày

Nên cho đàn uống cùng với một trong các loại kháng sinh như: Pharamox G, Pharmequin, Enroflox 5%, Orain-pharm… liên tục 5 ngày để diệt vi khuẩn bội nhiễm.

Cho bồ câu ăn/uống Phartigum B 2 g/10 kg trọng lượng/ngày hoặc 2 g/lít nước uống để giảm đau, tăng lực. Có thể hòa tan thuốc theo liều lượng cho phép, trộn đều với cám để bồ câu mẹ vừa mớm được cả thức ăn và thuốc cho bồ câu con.

Nguồn: tapchigiacam.vn

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.