Do Việt Nam nóng ẩm quanh năm nên người chăn nuôi thường xuyên phải đối phó với dịch bệnh trên đàn gia cầm. Sưng phù đầu trên gà do APV (Avian pneumovirus) APV ở gà là một trong những bệnh nguy hiểm và lây lan rộng. Với tỷ lệ nhiễm bệnh cao và tỷ lệ chết lên tới 100%; gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi. Vậy triệu chứng của bệnh này là gì? Làm thế nào để phòng ngừa và điều trị căn bệnh này? Đây là bài viết giúp người nuôi có thêm nhiều kiến thức bổ ích về chăn nuôi.
Tác nhân gây bệnh
APV hay còn gọi là Avian pneumovirus; là một ARN virus có thể gây bệnh trên đường hô hấp cho gà ở mọi giai đoạn phát triển và đặc biệt là gây bệnh trên gà tây. Mật độ nuôi thả cao và việc quản lý chuồng trại chăn nuôi kém là nguyên nhân chính khiến mầm bệnh lây lan nhanh chóng. Khi trong chuồng trại có nhiều khí độc; mùi hôi ở nền chuồng như CO2, NH3… bệnh sẽ lây lan qua đường hô hấp và bùng phát mạnh.
Tỷ lệ lây nhiễm cao; cao tới 100%. Tỷ lệ gà chết phụ thuộc vào mầm bệnh chính kế phát. Khi gà bị nhiễm APV; gà rất dễ bị mắc thêm các bệnh thông thường như E.coli, sổ mũi, sốt thương hàn, hen suyễn, CRD …, vì đây là những vi khuẩn có sẵn trong chuồng và ngay trên cơ thể gà.
Các triệu chứng và bệnh tích APV ở gà
Gà bị nhiễm APV sẽ có các triệu chứng sau: chảy nước mắt; mắt có bọt; viêm mũi, nghẹt mũi, tắc mũi; thở gấp, khó thở, ho, sưng phù mặt, run, sưng phù đầu (các triệu chứng này với Coryza và ORT rất giống nhau); cổ vẹo kèm theo liệt chân, gà gầy và yếu. Trong những trường hợp nghiêm trọng; có thể dẫn đến hội chứng phù đầu (SHS) khi APV được ghép với E. coli. Hội chứng này thường xảy ra ở gà trên 4 tuần tuổi và được đặc trưng bởi các dấu hiệu về hô hấp và thần kinh, như: vẹo cổ, đi lại khó khăn, lắc đầu, sưng phù đầu, mặt và mắt. Khi gà đẻ, buồng trứng bị vỡ, teo nhỏ, dị dạng… nên chất lượng vỏ trứng giảm (nhạt màu, mỏng hơn, dị dạng…). Sản lượng trứng bị giảm từ 5-30%.
Thời gian ủ bệnh của APV chỉ trong khoảng 3 ngày. Khi mới nhiễm bệnh gà gần như không có biểu hiện nào rõ rệt. Tỷ lệ tử vong cao và thường là do các mầm bệnh kế phát.
Biểu hiện khi mổ khám: Viêm và tạo lớp Fibrin màu vàng dưới da đầu và da má; Viêm mí mắt, mù mắt; Khí quản có dịch nhầy nhưng không xuất huyết. Có trường hợp gà bị APV nặng thì sẽ xuất huyết ở cuối đường khí quản. Buồng trứng trên gà đẻ bị hỏng, trứng non có thể vỡ, gây viêm phúc mạc.
Biện pháp phòng bệnh APV ở gà
Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học; chủ động phòng ngừa; luôn giữ môi trường chăn nuôi thoáng mát, sạch sẽ, không ẩm ướt. Tăng sức đề kháng cho gà khi thời tiết không tốt. Luôn theo dõi tình hình ăn uống, sức khỏe của gà và đặc biệt là cách ly ngay những con gà có biểu hiện; Khử trùng định kỳ 1 lần/tuần; Ngoài việc luôn luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh an toàn sinh học theo quy trình thì người nuôi có thể dùng vaccine để kiểm soát APV. Tuy nhiên, vaccine có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ chất lượng vaccine cho đến cách sử dụng vaccine, sức khỏe con vật… Do đó, người nuôi cần lưu ý:
• Trong trường hợp của trang trại mình thì có nên làm vaccine hay không? Điều này phụ thuộc vào dịch tễ và kinh nghiệm của người chủ trang trại đánh giá xem mức độ phơi nhiễm (nguy cơ nhiễm bệnh) của trại với APV có cao không.
• Không nên chủ quan cho rằng đã làm vaccine rồi thì gà không thể bị bệnh được.
Điều trị khi gà mắc bệnh APV ghép với các bệnh khác
Vì APV là virus nên không thuốc nào có thể giúp tiêu diệt được mầm bệnh APV trong cơ thể gà mà chỉ có thể dùng kháng sinh để hạn chế các mầm bệnh kế phát. Hơn nữa, đa phần gà chết là do các mầm bệnh kế phát chứ không phải do APV. APV thường gây kế phát với một số vi khuẩn như: Ecoli, Trực khuẩn ho gà, Tụ huyết trùng, trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas), ORT. Nếu thấy đàn gà có dấu hiệu giảm ăn, mệt mỏi, ủ rũ, lông xơ xác, đầu, mặt mắt sưng, chảy dãi nhưng điều trị theo phác đồ của bệnh Coryza không khỏi có thể gà đã nhiễm virus APV.
Tiến hành các bước như sau:
• Bước 1: Cách ly toàn bộ những con ốm, ủ rũ ra một chỗ riêng để tiện chăm sóc và theo dõi, càng cách xa khu chuồng chính càng tốt.
• Bước 2: Làm sạch toàn bộ dụng cụ chăn nuôi trong trại. Vệ sinh sạch sẽ, phun sát trùng toàn bộ khu vực trong và xung quanh chuồng nuôi.
• Bước 3: Điều trị triệu chứng – tức là phụ thuộc vào các bệnh kế phát tại thời điểm đó gây ra các triệu chứng gì mà chọn thuốc, biện pháp phù hợp để loại bỏ triệu chứng đó.
• Bước 4: Sử dụng kháng sinh hoạt phổ rộng tiêm cho những con bên ô cách ly và trộn (hoặc pha) kháng sinh bột vào trong thức ăn (nước uống) cho toàn bộ đàn gà. Các trại có thể sử dụng kháng sinh Amoxyline kết hợp với Doxicycline. Liệu trình mỗi đợt điều trị chỉ nên kéo dài khoảng 3 – 5 ngày (nếu không, dùng kháng sinh lâu quá sẽ làm gà mệt).
• Bước 5: (làm đồng thời với bước 3,4): tăng sức đề kháng cho gà bằng các thuốc giải độc + bổ gan thận, Vitamin ADE, Vitamin C, men tiêu hóa…
Nguồn: tapchigiacam.vn