Bệnh bạch lỵ ở gà con

mất:5 phút, 15 giây để đọc.

Bệnh bạch lỵ là bệnh do vi khuẩn gây ra, bệnh lây lan ở mức độ rất nhanh, và gây tỷ lệ chết rất cao đặc biệt là ở gà con. Vì vậy cần có biện pháp phòng tránh và điều trị bệnh kịp thời để giảm thiệt hại cho người nuôi.

Tác nhân gây bệnh

Bệnh bạch lỵ xảy ra ở gà con nguyên nhân là do vi khuẩn Salmonella pullorum. Bệnh này xảy ra ở gà con và lây truyền dọc từ gà mẹ sang gà con qua trứng. Bệnh cũng lây lan theo chiều ngang qua việc tiếp xúc giữa các con gà bị bệnh với nhau và gián tiếp qua chuồng trại, thiết bị chăn nuôi, lồng ấp, quần áo của công nhân bị nhiễm bệnh … Mầm bệnh có thể sống trong đất khoảng một năm.

Triệu chứng mắc bệnh

Khi gà con bị bệnh bạch lỵ thường xuất hiện các triệu chứng như sau: gà ốm yếu và ủ rũ, biếng ăn hoặc bỏ ăn, bỏ ăn, nằm chụm lại thành đàn dưới bóng đèn điện. Gà con rất yếu và ngay sau khi mới nở đã bị tiêu chảy, phân màu trắng xanh, lông xung quanh vùng hậu môn bị kết dính lại do phân, phân tiêu chảy có màu trắng. Do lòng đỏ không tiêu hết nên bụng phình to. Những con gà khỏe mạnh cũng dễ bị lây bệnh từ những con gà mắc bệnh mang trùng trong đàn.

Nếu trứng bị nhiễm mầm bệnh ở mức độ nhẹ, gà con sẽ nở ra và không chết, nhưng mầm bệnh sẽ xâm nhập vào máu, xâm nhập vào các cơ quan nội tạng (tim, gan, thận, ruột,…) và cao nhất là đến ngày thứ 4, 5 thì chết; đến ngày thứ 8 thì bắt đầu giảm

Khi gà được 15 đến 20 ngày tuổi, tuy gà đã khỏi bệnh nhưng gà mang trùng sẽ chậm phát triển,ốm còi cọc; lông mỏng và thưa, chân què quặt, do vi khuẩn viêm khớp và não. Các triệu chứng của bệnh rất giống với bệnh phó thương hàn, gây nhầm lẫn và khiến việc điều trị không hiệu quả cao.

Bệnh bạch lỵ dễ gây tử vong cho gà con

Bệnh tích

Gà chết sau khi nở 1 ngày tuổi:

– Chỉ thấy gan và phổi xung huyết đỏ bầm.

– Gan và lách có nhiều điểm hoại tử trắng lấm tấm như đinh ghim.

– Tim và phổi có nhiều điểm hoại tử trắng xám nhạt.

– Lòng đỏ không tiêu có thể bị bã đậu hóa màu trắng hoặc màu kem, đôi khi có lẫn máu, thường bị viêm rốn.

– Lách sưng to, thận xung huyết đỏ. Khi mổ ra ở đường niệu (từ thận ra hậu môn) có chứa chất urat màu trắng.

Trường hợp mãn tính bị áp xe phủ tạng (tim, phổi, màng bụng), viêm ruột mãn tính thể pho mát đặc trưng (bởi phân có màu ghi chứa trong ruột).

Biện pháp phòng bệnh

Ðây là bệnh rất khó loại trừ được mầm bệnh, khi phát hiện được bệnh ở những đàn gà giống nên loại thải những con mang trùng. Thường xuyên vệ sinh tiêu độc chuồng trại, các dụng cụ chăn nuôi. Phun sát trùng thường xuyên theo định kỳ bằng iodine, chlorine; Kiểm tra chuồng trại để đảm bảo chuồng luôn khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm ấp về mùa đông; Thay đệm lót để tránh vi khuẩn trú ẩn gây bệnh cho gà; Vệ sinh máng ăn, máng uống và các dụng cụ chăn nuôi; Cung cấp đầy đủ thức ăn cho gà, nước sạch có tỷ lệ E.coli dưới mức quy định.

Gà con nên cho uống thuốc phòng bạch lỵ khi được 3 – 5 ngày tuổi như Ampicoli 1 g/2 lít nước. Loại bỏ những con gà sinh sản mắc bạch lỵ để tránh việc ấp trứng của những con gà này sẽ nở ra gà con bị bệnh. Khi đàn gà có dấu hiệu mắc bệnh cần cho uống ngay các loại thuốc sau: Ampicoli 1 g/2 lít nước, men tiêu hóa, B-complex. Nên cho uống nhanh sau khi phát hiện bệnh và cho cả đàn uống vì khả năng lây lan của bệnh rất nhanh. Dùng các chế phẩm tiêu diệt vi khuẩn để trộn vào vỏ trấu giúp phân hủy các vi khuẩn trong phân. Cách ly gà bị bệnh. Có thể tiêm trực tiếp ampicoli vào những con bệnh nặng nếu quá trình cho uống không thuyên giảm.

Phương pháp điều trị

Ðiều trị bệnh bạch lỵ hiệu quả thì đầu tiên phải vệ sinh môi trường sạch sẽ, khử trùng, tiêu độc mầm bệnh có trong chuồng trại. Tiếp đó người nuôi có thể điều trị bằng 1 trong 2 cách sau:

Cách 1:

• Cho cả đàn uống vaccine ND – IB

• Cho uống T.Colivit hoặc Bycomycin hoặc Oxymykoin: 20 g

• T. Cúm gia súc hoặc Acetaminophen: 20 g

• Cho gà uống thêm Super Vitamin: 20 g

Ðảm bảo cho nhiệt độ trong chuồng úm, chuồng nuôi để gà luôn được giữ ấm, tránh gió lùa.

Cách 2:

• Dùng T.Avimycin: 20 g

• Thuốc điện giải: 1 thìa

• Pha cùng lúc 2 loại thuốc trên vào 15 – 20 lít nước cho gà uống. Dùng liên tục trong 3 – 5 ngày.

Lưu ý:

Liều lượng trên được sử dụng cho 100 kg chứ không phải dành cho 100 con. Tùy vào trọng lượng lớn hay nhỏ sẽ điều chỉnh cho hợp lý.

Người nuôi có thể tham khảo phác đồ điều trị của Công ty Cp Phát triển Công nghệ Nông thôn RTD:

Bước 1: Làm vệ sinh môi trường, thức ăn, nước uống. Phun thuốc sát trùng.

Bước 2: Dùng một trong các loại thuốc sau:

– RTD – AMOXY-COMBY với liều 1 g/1 lít nước. Dùng trong 5 ngày.

– RTD – ÐẶC TRỊ TIÊU CHẢY với liều 10 g/15 – 20 kg TT/ngày. Dùng liên tục 3 – 5 ngày.

– RTD – NOR COLI: 2 – 4 g/lít nước/ngày. Dùng liên tục 3 – 5 ngày.

– T.T.S: 2 g/lít nước hoặc 10 g/25 kg TT. Dùng liên tục 3 – 5 ngày.

– E – BISEPTOL, trộn thức ăn hoặc hòa nước uống, 1 g/ lít nước uống. Dùng 5 – 10 ngày.

Nguồn: tapchigiacam.vn

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.